Nghề làm nem
ở Lai Vung
“Lai Vung là
xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.
Nếu Sa Đéc có
làng hoa Sa Đéc thì huyện Lai Vung cũng nổi tiếng khắp vùng đồng bằng Nam Bộ
với nghề làm nem truyền thống. Nằm ở phía Bắc sông Hậu, làng nghề làm nem ở Lai
Vung được hình thành hơn 60 năm nay và là một trong những làng nghể lâu đời
nhất ở địa phương, nằm trong số gần 30 làng nghề được tỉnh Đồng Tháp công nhận.
Đặc sản nem Lai Vung từ lâu đã nổi tiếng với hương vị ngon đặc biệt. Thong thả
mở từng lớp lá chuối, chắc chắn bạn không thể cầm lòng trước miếng nem tươi đỏ
hồng điểm xuyết những hạt tiêu đen, vài lát tỏi trắng mỏng. Nem chua khi ăn có
vị ngọt của thịt và vị chua của nem, còn nem nướng cũng là loại nem chua nhưng
dùng khi nem chưa lên men, nưóng trên vỉ than đỏ hồng, ăn kèm với bún, rau
thơm, nước chấm…
Nghề làm nem cũng lắm công phu, làm ra một chiếc nem phải trải qua rất nhiều
công đoạn. Thịt làm nem là thịt heo đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được
lạng nhỏ thành từng miếng. Trộn lẫn các thứ thịt, bì, tiêu, ớt, lót kèm lá vông
xong nguời ta gói lại bằng lá chuối tươi để từ 3 đến 4 ngày cho lên men ở nhiệt
độ khoảng 27-300C. Nem làm ngon và đúng cách phải đủ 8 phần thịt, 2 phần bì,
thịt lợn phải tươi, gia vị phải cân đối, gói thật đều tay. Vì vậy mà ở Lai Vung
có câu vè : “Từng gói, từng gói nếu ai không giỏi thì gói không đều, từng lá
nhỏ tươi bao tròn viên thịt, để lá ít thì nem lâu chua, để thịt vừa vừa thì nem
lâu chín…”
Tương truyền rằng, những ông tổ của nghề làm nem lúc đầu làm ra món ăn này chủ
yếu để cúng kiến, giỗ tiệc, lễ tết. Sau này thấy ăn ngon miệng, dễ làm nên
nhiều nguời Lai Vung quyết định học cách làm nem để bán. Ban đầu chỉ là bán
nhỏ, lẻ, rồi sau đó truyền miệng cho nhau nên việc buôn bán nem cũng phát triển
theo những chuyến xe đò, chuyến phà miền Tây và tới thập niên 1980-1990 đã trở
thành mặt hàng bình dân được ưa chuộng. Đến năm 2000, Lai Vung đã có hàng chục
lò nem tên tuổi như Út Thẳng, Tư Minh, Năm Thơ… Huyện Lai Vung cũng đã đăng ký
bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cho làng nghề mình với tên gọi “nem Lai Vung”, mỗi
ngày sản xuất ra hơn 300 ngàn chiếc nem lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho hàng
ngàn lao động…
Một khi đã tới địa phận Đồng Tháp hẳn bạn không thể quên mua vài chục nem Lai
Vung về làm quà cho bạn bè và nguời thân. Giá 1 chục nem nhỏ khoảng 4.000đ, nem
lớn 1 chục 8.000đ, các loại nem đặc biệt từ 10.000-15.000đ. Mùi vị đậm đà của
chiếc nem Lai Vung chắc chắn sẽ làm khách thập phương lưu luyến mãi khi nhớ về
một Đồng Tháp hiền hòa.
Nghề chế biến
bánh phồng tôm
Nói về đặc sản miền Tây, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bánh phồng tôm Sa
Giang. Hằng năm, con sông Tiền thơ mộng đã cung cấp cho Sa Đéc một lượng tôm cá
dồi dào, nguyên liệu chính của bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng khắp trong và
ngoài nước.
Từ con tôm nước ngọt như tôm tích, tép mòng, tép ròng… qua bàn tay chế biến
khéo léo của con người đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang, sản phẩm truyền
thống đặc trưng của địa phương Đồng Tháp. Bánh được làm từ bột, thịt tôm xay
nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với
nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín,
người ta cắt ra từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Đem chiên giòn với dầu ăn
nóng, bánh sẽ nở to ra, có độ giòn, xốp, béo ngậy. Những chiếc bánh tròn vành
vạnh ngả màu vàng đục tựa như ánh trăng rằm, có hương vị nồng thơm, cay cay,
đậm đà văn hoá ẩm thực của dân tộc sẽ khiến bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm chiếc
nữa…Có lẽ vì vậy mà trên những bàn tiệc, liên hoan, lễ tết… đĩa bánh phồng tôm
thường được đặt ở trung tâm mâm cỗ.
Nổi tiếng là món ăn đặc sản nên từ bánh phồng tôm Sa Giang, các sản phẩm bánh
phồng tôm ở Sa Đéc ngày nay đều được các nhà sản xuất lấy chữ “Giang” đặt cho
sản phẩm như bánh phồng tôm Linh Giang, Trương Giang, Trung Giang, Vĩnh Giang…;
có khả năng cung cấp cho thị trường hơn 2.000 tấn bánh phồng tôm/ năm.
Hiện nay, công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang, tiền thân là xưởng sản xuất
bánh phồng tôm Sa Giang đã đầu tư sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng như
: bánh phồng cá, bánh phồng mực, bánh phồng cua v.v… được người tiêu dùng ưa
chuộng về chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Thương hiệu
“Sa Giang” đang khẳng định tên tuổi và ngày càng lớn mạnh với 80% thị phần
trong nước và tiếp tục có mặt tại các thị trường châu Á, Tây Âu, Mỹ…
Nghề làm bột ở Sa Đéc
Thị xã Sa Đéc là một trong những đầu mối trung chuyển lương thực lớn nhất vùng
đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương nổi tiếng với làng nghề làm bột gạo.
Hình thành và phát triển từ nửa thế kỉ nay, có lẽ do điều kiện tự nhiên thuận
lợi : nguồn nước ngọt quanh năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp nên sản phẩm bột
gạo ở đây có những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp.
Với trên 2000 lao động và sản lượng trên 30.000 tấn bột gạo/năm, làng bột Sa
Đéc là nơi cung ứng chủ yếu cho nhu cầu tiêu thụ của TP.HCM và khắp vùng Đông,
Tây Nam Bộ, xuất khẩu ra cả các nước Đông Nam Á.
Sản phẩm bột gạo ở đây được chia thành 2 loại : bột tươi, ướt, được cung cấp
trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô dùng để dự trữ, chế
biến dần. Từ bột gạo, người ta chế biến ra hàng chục mặt hàng thực phẩm rất hấp
dẫn, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày như phở, hủ tiếu, bún, các loại
bánh, các sản phẩm ăn liền…
Bột lọc Sa Đéc còn nổi tiếng với bí quyết sản xuất gia truyền, độc đáo. Các
thực phẩm được chế biến tử bột lọc Sa Đéc có chất lượng tuyệt vời, dai mà mềm,
thơm ngon đặc trưng, khiến bạn ăn một lần nhớ mãi. Chính vì thế mà hủ tiếu Sa
Đéc – một trong những món ăn được làm từ bột gạo Sa Đéc- từ lâu đã là đặc sản
nổi tiếng, đến nay vẫn luôn được mọi nguời ưa chuộng với sợi hủ tiếu có độ dai
vừa phải, kết hợp với nước lèo thơm lừng, ngọt đậm đà.
Hiện nay, nhà máy bột Bích Chi ở số 45 quốc lộ 80 thị xã Sa Đéc là nhà máy sản
xuất bột lớn nhất tại Đồng Tháp, với sản phẩm mang nhãn hiệu “bột Bích Chi” đã
có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước từ những năm trước 1975. Công
suất hiện tại của nhà máy là 1200 tấn bột và 3000 tấn ngũ cốc/ năm. Đóng ở địa
thế thuận lợi, nằm trong vùng nguyên liệu dồi dào cùng với đội ngũ công nhân lành
nghề, nhà máy bột Bích Chi đang xúc tiến việc liên doanh với các đối tác đầu tư
trong và ngoài nước nhằm đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao công suất, đưa
thương hiệu “bột Bích Chi” đứng vững và tiếp tục khẳng định tên tuổi trên thị
trường trong nước và thế giới.
Chợ chiếu đêm Định Yên
Làng chiếu Định Yên nằm cạnh sông Hậu, thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, là địa
chỉ không thể thiếu trong các điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp với
nghề dệt chiếu nổi tiếng cách đây gần một trăm năm.
Từ thị xã Sa Đéc theo quốc lộ 80 đi chừng 30 km là đến thị trấn Lấp Vò, sau đó
đi thêm 3 km nữa sẽ đến làng chiếu Định Yên. Người dân ở đây sau khi làm ra
thành phẩm sẽ mang ra bán tại chợ đầu mối Định Yên.
Nét văn hóa độc đáo của chợ chiếu này là chợ được họp vào ban đêm trong thời
gian khoảng 2 tiếng đồng hồ và được người dân ở đây gọi là “chợ ma”. Do bà con
suốt ngày bận rộn với công việc đồng áng hoặc miệt mài bên khung dệt nên chỉ có
đến Định Yên vào ban đêm bạn mới thấy được cảnh họp chợ nhộn nhịp, mỗi nguời chong
một đèn quây quần trước sân chùa An Phước. Giờ họp chợ không cố định, đêm sau
thường sớm hơn đêm trước 1 giờ và cứ thế xoay vòng.
Hằng năm chợ chiếu Định Yên tiêu thụ hàng triệu sản phẩm các loại khắp vùng
đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Chiếu thường bán chạy nhất vào
khoảng tháng chạp, tháng giêng và tháng hai. Chợ chiếu không cần có quầy, sạp
kinh doanh mà vẫn tấp nập nguời mua kẻ bán. Một điểm đặc biệt khác với những
phiên chợ khác là ở đây nguời bán thì đi, đứng, trong khi người mua lại ngồi
(thay vì nguời bán ngồi, nguời mua đi). Người mua chiếu tìm một chỗ ngồi chờ
còn nguời bán ôm hoặc vác chiếu trên vai đến chào hàng, ngã giá. Nơi đây nhộn
nhịp những cô gái trẻ ngược xuôi mời chào sản phẩm chiếu đủ loại, đa dạng về
màu sắc, hoa văn, từ chiếu trắng thường cho đến chiếu vảy ốc, chiếu Trà Niên,
chiếu con cờ, chiếu cưới trang trí lộng lẫy… Chiếu được bán sỉ và lẻ với giá
cao thấp khác nhau tuỳ theo mẫu mã và độ dày-mỏng, thưa-khít…
Nếu như trên bờ có rừng chiếu đầy màu sắc rực rỡ, chen nhau dưới ánh đèn thì
dưới bến, ghe, xuồng của cả trăm nguời buôn chiếu từ các tỉnh đến chọn hàng
cũng kề nhau san sát. Thông thường, mỗi nguời buôn chiếu đậu ghe tại bến sông
vài đêm, mua chứng 500-1000 chiếc là nhổ neo, đi bỏ mối hoặc bán lẻ khắp vùng sông
nước Cửu Long; còn người bán được hàng cũng trở về tiếp tục công việc hàng
ngày.
Ngoài ra chợ chiếu dầu mối, Định Yên còn là nơi tập trung của tàu thuyền khắp
mọi nơi như Sa Đéc, Vĩnh Long… về bán trân, bố, lác, phẩm màu… là những nguyên
liệu phục vụ cho sản xuất chiếu, khiến chợ đêm càng thêm nhộn nhịp trong ánh
đèn rực rỡ, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách trên bước lữ hành.