Bửu Lâm Tự là một trong những ngôi chùa cổ đựơc xây dựng vào cuối thế kỷ XVII,
toạ lạc tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Nằm bên bờ kinh Cái Bèo, Bửu Lâm Tự phong cảnh thật hữu tình. Hàng cây dầu cổ
thụ vươn vút trời xanh, tiếng chim ríu rít trên nhánh gừa trái vừa chín rộ hoà
quyện với tiếng gió rì rào đung đưa trên cành dương liễu. Tiếng chuông chùa
ngân nga. Hương trầm, hương huệ từ hàng miễu Bà Chúa Xứ, miễu Ngũ Hành tạo cho
ta cảm giác lâng lâng, những muộn phiền ưu tư như được rũ bỏ bởi chốn thiền môn
cổ kính. Giữa sân chùa là Phật đài lộ thiên đứng trên bệ toà sen cao 3m. Tượng
màu trắng tuyết, ngự giữa trời mây, gương mặt từ bi, nụ cười hoan hỉ, tay cầm
nhành dương liễu, mắt hướng về đông như quan sát trần thế để cứu rổi chúng
sanh. Bao quanh tượng đài muôn hoa đua nở hương thơm ngạt ngào, uy nghi và đĩnh
đạt.
Bên phải ngôi tam bảo là tháp cổ khai sáng Bửu Lâm tự đặt trong khuôn viên có
lan can. Tháp hình bát giác, ba từng trang trí sen, rồng, cá hoá long, chóp
tháp là nơi an vị ngọc xá lợi của tổ. Nhìn qua phía trái có bốn ngôi tháp, bốn
bảo đồng có tạc chữ Hán ghi dấu ngày viên tịch của các hòa thượng kế nghiệp tổ
trụ trì.
Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, chốn thiền môn cổ kính này từng vận động tăng
ni đầu quân, ủng hộ nhiều đồ đồng để cách mạng rèn vũ khí, nuôi dưỡng, bảo vệ,
che chở cách mạng (xung quanh chùa có nhiều hầm bí mật). Ngoài ra, chùa còn là
nơi nhân dân tập trung đấu tranh khi có giặc đàn áp, ruồng bố.
Hàng năm chùa cúng thường lệ ba rằm lớn: tháng giêng, tháng bảy, tháng mười và
một lần giỗ tổ vào rằm tháng hai. Khách thập phương từ khắp nơi đến hành hương
lễ bái tấp nập, đông vui. Bửu Lâm tự thật xứng danh là di tích lịch sử văn hoá,
cách mạng và danh thắng của quê hương đất Tháp kiên cường.